Tối ưu hiệu quả và chi phí khi quản lý sâu cuốn lá

Vùng ĐBSCL hiện nay có gần 50% diện tích lúa đang nằm trong thời kỳ từ đẻ nhánh đến đòng trổ, tình hình thời tiết những ngày gần đây thường có những biểu hiện nắng mưa xen kẽ. Những đặc điểm này góp phần rất lớn cho sự phát sinh và tấn công của sâu cuốn lá nhỏ trên lúa, bà con cần chủ động trong công tác theo dõi và phòng trị khi cần thiết.

Sâu cuốn lá nhỏ khi gây hại với cách thức nhả tơ trước để cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại và nằm bên trong để ăn phần thịt của lá theo dọc gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành từng mảng. Nếu cây lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại nặng thì lá lúa sẽ bị trắng, làm giảm nghiêm trọng khả năng quang hợp khiến năng suất lúa suy giảm, đặc biệt là gây hại ở thời kỳ đòng - trổ.

Vòng đời của sâu cuốn lá thường kéo dài khoảng 30 – 45 ngày, và vòng đời của sâu dài hay ngắn thường còn tùy vào giống lúa, và phân bón và thời tiết của nó. Sâu cuốn lá có trứng hình bầu dục, sâu non thì có 5 tuổi, khi mới nở sâu non tuổi 1 có màu trắng trong, đầu có màu nâu đen, khi lớn cơ thể chuyển màu vàng xanh, đầu màu nâu sáng. Nhộng có màu  vàng hoặc nâu đậm và bướm thì có màu vàng hơi nâu, khi đậu cánh sẽ xếp thành hình tam giác có 2 sọc nâu đen.

Theo thông tin từ cơ quan và chuyên môn, thông thường sâu cuốn lá nhỏ có hai đợt phát sinh và gây hại chính trong một vụ lúa. Đợt 1 vào lúc lúa đẻ nhánh rộ nhưng thời điểm này không quá nguy hiểm bởi cây lúa còn có khả năng ra lá mới nhanh chóng để bù trừ được thiệt hại. Bên cạnh đó thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ trên ruộng lúa lúc này cũng rất đa dạng từ các loài ong, nấm đến các loài ăn thịt, tuy nhiên nếu ruộng có mật số sâu từ 20con/m2 thì bà con cần sử dụng thuốc để bảo vệ lúa.

Đợt gây hại thứ 2 của sâu cuốn lá nhỏ thường là lúc cây lúa làm đòng - trổ bông. Đợt 2 này bà con cần hết sức thận trọng vì sâu cuốn lá sẽ tấn công trực tiếp vào lá đòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa, do đó khi kiểm tra ngẫu nhiên và nhận thấy mật số sâu ở mức 10 con/m2 thì phải nhanh chóng can thiệp biện pháp quản lý để bảo vệ năng suất.

Bên cạnh yếu tố thời vụ và thời tiết thì sự phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ còn bắt đầu từ một số nguyên nhân rất điển hình, đó là khâu chọn giống và tiến trình bổ sung dinh dưỡng cho cây. Giống được chọn để gieo không đảm bảo độ sạch bênh và khi lúa sinh trưởng bà con bón quá nhiều đạm, bón lai rai nhiều lần làm cho cây lúa lúc nào cũng xanh tốt vượt chuẩn là điều kiện lý tưởng để sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, phát triển. 

Trong quản lý sâu bệnh hại nói chung và sâu cuốn lá nhỏ nói riêng thì biện pháp canh tác vẫn luôn được nhắc đến trước tiên. Theo khuyến cáo của nhà chuyên môn, nông dân cần làm đất kỹ, dọn sạch cỏ bờ cũng như tàn dư thực vật để hạn chế sự lưu tồn của các đối tượng gây hại, khi gieo sạ thì phải chọn giống chất lượng để đảm bảo độ sạch với mật độ gieo vừa phải. Không nên sạ quá dày khiến chi phí đầu tư gia tăng mà dịch hại thì lại nhanh chóng phát sinh.

Và cuối cùng là biện pháp hóa học, như đã nói ở trên thì tùy vào giai đoạn phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ mà ngưỡng phòng trừ sẽ khác nhau, ở lúa đẻ nhánh bà con chỉ nên phun thuốc đặc khi có 20 con/m2 trở lên và phun khi có 10 con/m2 ở thời kỳ cực trọng lúc lúa làm đòng – trổ bông.

Nông dân nên thăm đồng thường xuyên, nếu thấy bướm rộ trên đồng thì 6 - 7 ngày sau sẽ có sâu mới nở tuổi 1, đây là thời điểm tuyệt vời để phun thuốc vì sâu còn non, làm sâu dễ chết khi tiếp xúc với thuốc. Nên phun thuốc thật đều, thật đủ để thuốc tiếp xúc được với sâu và nên phun đúng liều lượng theo khuyến cáo nhà sản xuất khi sâu ở tuổi 1 – 2 để vừa đạt hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí.

 

< Trở lại

Tag: Nhện đỏ, nhện đỏ cây sầu riêng, nhện đỏ trên bưởi, nhện đỏ hoa hồngRệp sáp sầu riêng, bọ phấn trắng, Rầy nhảy sầu riêng, rầy bông sầu riêng, rầy xanh sầu riêng, Bọ cánh cứng sầu riêng, bọ rùa hại bông sầu riêng,Sâu cuốn lá, sâu cuốn lá lúa, sâu cuốn lá kháng thuốc, Bệnh thán thư, thối quả sầu riêng, thán thư bông sầu riêng, Bọ trĩ mãng cầu; Bọ trĩ hoa hồng,Bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt lúa, bệnh vi khuẩn, lép vàng trên lúa, lép đen vi khuẩn