Ảnh hưởng của lá đến năng xuất, sức khoẻ, tuổi thọ của cây.

Trước khi vào phần thân bài xin nhắc trước bài này chỉ dành cho người chưa biết, với các cao nhân, to nhân, có thể bỏ qua nhé.
– Lá là nơi chuyển đổi các khoáng chất để nuôi cây. Khoáng chất trong đất được lông hút dẫn vào rễ, rồi đi lên lá qua đường mạch gỗ. Nhờ diệp lục và ánh sáng mặt trời, gọi là quá trình quang hợp, khoáng chất được tổng hợp, chuyển đổi thành đường dạng gluco quay lại nuôi đọt, lá, trái, thân cành rễ. Khoáng chất đi lên lá bằng mạch gỗ, và sau khi được chuyển hóa đi xuống bằng mạch rây vỏ cây. Sự tuần hoàn này diễn ra liên tục. Lá cũng còn là nơi dự trữ dinh dưỡng để phòng trong những điều kiện bất lợi. Ngoài ra trong quá trình quang hợp, lá còn hấp thụ co2 và thải o2. Vì thế với cây Sầu Riêng, lá càng nhiều, càng to, càng dày thì lực cây càng mạnh.

Qua thực tế tại vườn nhà và vườn của nhiều hội viên trong thời gian qua. Mình khẳng định một điều.

– GIỮ ĐƯỢC LÁ TẤT THẮNG, ĐỂ MẤT LÁ TẤT BẠI.

Tùy khí hậu, thổ nhưỡng tuổi cây và cách chăm sóc mà mỗi năm cây cây kinh doanh ra đọt 2,3,4 lần, trong các cơi đọt theo tôi quan trọng là cơi đọt trước khi ra bông. Cơi đọt này cần to, dày và khoẻ, để dự trữ dưỡng chất, tổng hợp chuyển đổi chất kịp thời để nuôi bông và đậu trái sau này. Nếu cơi này đẹp, thì việc phân hóa mầm hoa sẽ chậm hơn, có thể cây ra hoa ít hơn những cây suy ít lá, nhưng tỉ lệ đậu khá cao. Điều này không có gì đáng ngại vì thường phải tỉa bỏ 50 – 70% lượng bông.
Với cây bị mất lá trơ cành, nụ sẽ ra rất nhiều nhưng sẽ rụng bông từ khi mới chớm nụ và rụng gần sạch khi sổ nhị xong. Khi nụ hoa nhú được 1-2cm thì tiến hành tưới theo đồng thời kích cho cơi mới ra. Với những cây ít lá thì đọt non sẽ ra rất mạnh, Vì thiếu lá nên sinh lý cây buộc ra lá để đáp ứng sinh trưởng sau này, vì quá tập trung nuôi đọt non nên cây vắt kiệt dinh dưỡng dự trữ mà quên nuôi bông nuôi trái, chính vì thế nụ hoa sẽ rụng dần và rụng mạnh sau hoa nở vài ngày, nếu còn trái nào đậu được , sau này dàn lá mạnh sẽ bị thừa dinh dưỡng và đẩy lên hàng voi.

Với những cây cơi đọt trước khi ra bông mạnh, thì khi tưới theo đọt sẽ ra yếu, ra chậm, nhưng bà con không nên quá lo, vì dàn lá cũ đủ mạnh thì việc sổ nhị rồi mà lá chưa già cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến sự đậu trái và nuôi trái sau này. Nhưng chúng ta cần bảo vệ đặc biệt cơi đọt này. Có nhiều người vì lo sợ khi sổ nhị rồi mà lá chưa già sẽ ảnh hưởng đến trái nên nhiều nhà vườn phun HPC 97 cho rụng đọt non, hoặc bỏ thí cho rầy , nấm tấn công. Đây là việc làm cực kỳ sai lầm, vì khi bị mất lá khoảng tháng rưỡi sau cây lại đi đọt, rồi ta lại phun HPC97, MKP, KNO3, HK7-5-44, Paclobutrazon…. Làm vậy sẽ gây tốn công, tốn của, tăng chi phí trên sản phẩm và gây hại trầm trọng đến sức khỏe của cây , với những vườn làm theo cách này khi thu xong cây xác xơ tàn tạ, là cơ hội cho nấm gốc thối thân xì mủ tấn công.

Tuy nhiên với những cây hoặc những vườn ra cơi lệch pha, thì nhất thiết phải nhúng tay xử lý. Giải pháp an toàn vẫn là dùng Lân và Kali cao, để giúp lá mau thành thục.

Nếu trái đất được ví là mẹ thì mặt trời được xem là cha của muôn loài. Sầu Riêng là cây trồng nhiệt đới, nên cần có cường độ ánh sáng cao để quá trình quang hợp được hoàn thiện. Vì thế những vùng có nhiều mây âm u, ánh sáng yếu trong giai đoạn mang trái thì cơm SR chỉ mơ mơ như vùng Di linh- Bảo lộc. Đăk Song- Gia nghĩa. Chứ không thể vàng ươm như Ri6 của Tây Ninh năm vừa rồi được. Với giống Musang King, vì Malaysia nằm gần xích đạo, cường độ ánh sáng cao hơn ta, vì thế với giống này về mình nhiều khả năng cơm sẽ trắng hơn khi còn ở cố quốc. Nhưng cũng không nên quá lo, vì mục tiêu của ta chỉ mong có cao giá hơn Mon Thoon 50 % là ưng cái bụng rồi.

Để có được cây khỏe dàn lá đẹp thì nhất thiết rễ phải khỏe. Để rễ khỏe cần có 1 nền hữu cơ thật tốt, hệ thống vi sinh vật hữu ích dồi dào. Nếu được hỏi các sản phẩm vi sinh trên thị trường có tốt không ? Xin thưa đa số đều tốt nhé, chỉ 1 điều họ nổ to quá, thần thánh nó lên quá làm những điều tốt đẹp về nó bị lu mờ. Bón cân đối NPK + TE tùy giai đoạn sinh trưởng, tránh bón vào những ngày mưa dầm. Hỗ trợ phân bón lá trong giai đoạn cần thiết. Với bệnh hại thì phòng, nghĩa là phun trước để phòng. Với sâu hại thì trừ, nghĩa là khi thấy có rồi mới phun để trừ.

Là một nông dân chân lấm tay chai, cái biết thì nhỏ bé mà chưa biết thì vô cùng, vì thế luôn mở lòng đón nhận và góp ý bổ sung từ phía cộng đồng. Xin chào và hẹn gặp lại.

Nguồn: Đỗ Trường Sơn

< Trở lại

Tag: Nhện đỏ, nhện đỏ cây sầu riêng, nhện đỏ trên bưởi, nhện đỏ hoa hồngRệp sáp sầu riêng, bọ phấn trắng, Rầy nhảy sầu riêng, rầy bông sầu riêng, rầy xanh sầu riêng, Bọ cánh cứng sầu riêng, bọ rùa hại bông sầu riêng,Sâu cuốn lá, sâu cuốn lá lúa, sâu cuốn lá kháng thuốc, Bệnh thán thư, thối quả sầu riêng, thán thư bông sầu riêng, Bọ trĩ mãng cầu; Bọ trĩ hoa hồng,Bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt lúa, bệnh vi khuẩn, lép vàng trên lúa, lép đen vi khuẩn